Wednesday, March 8, 2023

Sở Tâm Lý Chiến - Đài Gươm Thiêng Ái Quốc - Nha Kỹ Thuật



 Song song với sự hình thành của Sở Liên Lạc, Sở Phòng Vệ Duyên Hải, Nha Kỹ Thuật cũng thành lập Sở Tâm Lý Chiến (STLC/NKT). Ngoài những Phòng, Ban theo tổ chức của QLVNCH như Phòng Chính Huấn, Phòng Tâm Lý Chiến, Phòng Xã Hội, v.v. STLC/NKT còn tổ chức những cơ sở sau đây:

a) Ðài Tiếng Nói Tự Do (VOF – Tuyên Truyền Xám)
b) Ðài Gươm Thiêng Ái Quốc (SSPL Radio – Tuyên Truyền Ðen)
c) Phòng Công Tác – Phòng này có nhiệm vụ thực hiện các truyền đơn, giấy tờ giả, bạc giả và các gói qùa tâm lý chiến như: quần áo, mùng, mền, lưới cá, cước, lưỡi câu, radio, v.v. Những loại truyền đơn được bỏ vào đạn súng cối 81ly và các chiến đỉnh của SPVDH bắn vào bờ. Các gói qùa tâm lý chiến thì cũng do các chiến đỉnh thả dọc theo bờ biển trong vùng hành quân Bắc vĩ tuyến 17.

Ngoài ra, Phòng Công Tác/STLC cũng có các toán thẩm vấn gồm SQ và HSQ nhiều kinh nghiệm ra công tác tại trại DoDo (Cù Lam Chàm) để sang trại Phượng Hoàng (Phoenix) thẩm vấn các tù nhân về các tin tức liên quan đến chính trị, xã hội, tôn giáo và văn hóa, v.v. tại miền Bắc để cung cấp cho Ðài Tiếng Nói Tự Do (TNTD) và Ðài Gươm Thiêng Ái Quốc (GTAQ) trong các bản tin và bình luận của 2 đài này. Trong số tù nhân, nếu có những thành phần hợp tác và có tinh thần chống Cộng Sản, họ được tuyển mộ làm mật báo viên nằm vùng cho PTGTAQ và Mặt Trận Giải Phóng Miền Bắc. Sau khi được huấn luyện về tình báo, họ được chuyển sang trại DoDo để học tập về chủ trương và đường lối hoạt động của PTGTAQ, và tuyên thệ xin gia nhập Phong Trào trước khi được phóng thích trở về nguyên quán. Phía cơ quan đối nhiệm Hoa Kỳ cũng có các toán thẩm vấn tương tự và cũng công tác tại trại DoDo mà thôi. Những nhu cầu tin tức của họ đều được dịch ra Việt ngữ và được các toán thẩm vấn viên tại trại Phượng Hoàng thỏa mãn các nhu cầu đòi hỏi.

Trụ sở của STLC/NKT và 2 Ðài TNTD và Ðài GTAQ đều được đặt tại Số 7 Hồng Thập Tự, Sài Gòn. Ngoài ra, còn có các Trung Tâm Phát Tuyến ở Thủ Ðức, Thanh Lam (Huế), Cồn Tè (Thuận An, Huế) phát sóng bao phủ toàn miền Bắc cho đến tận biên giới Trung Hoa. Vị Chánh Sự Vụ đầu tiên của STLC/NKT là Thiếu tá Phạm Thế Phiệt. Vị Chánh Sự Vụ sau cùng là Trung tá Ðăng Xuân Thoại. Trung tá Thoại đã anh dũng tuẫn tiết bằng súng Colt-45 tại bệnh viện Saint Paul, Sài Gòn vào sáng ngày 30/4/1975, trước khi Cộng Sản Bắc Việt cưỡng chiếm miền Nam! Vị Quản Ðốc Ðài TNTD là Ðại úy Vũ Quang Ninh. Vị Quản Ðốc Ðài GTAQ là Ðại úy Ðỗ Bá Tư.

Sau khi MACSOG (Military Assistance Command – Studies and Observations Group) giải tán vào tháng 4/1972, một phần nhân viên của STLC/NKT được thuyên chuyển về Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị/QLVNCH (Cục Tâm Lý Chiến) và thành lập Ðài Mẹ Việt Nam kể từ tháng 7/1972. Phần SQ và HSQ còn lại của STLC/NKT thì di chuyển về trụ sở mới, cạnh BCH Sở Liên Lạc/NKT và sinh hoạt những công tác chính huấn, tâm lý chiến và xã hội của QLVNCH.

Sở Phòng Vệ Duyên Hải Nha Kỹ Thuật


 SỞ PHÒNG VỆ DUYÊN HẢI (Coastal Security Service)

Kể từ ngày thành lập, Sở Bắc, ngoài những bộ phận không vận có trách nhiệm tổ chức các cuộc xâm nhập Bắc Việt bằng đường hàng không còn có 2 chi cục trực thuộc, đó là Chi Cục Atlantic, chuyên trách việc tuyển mộ, huấn luyện và tổ chức các chuyến công tác xâm nhập lãnh thổ Bắc Việt bằng đường bộ, xuyên qua Lào và vùng Phi Quân Sự. Chi cục này đồn trú tại Huế và do Trung úy Trần Bá Tuân làm Chi Cục Trưởng.

Ðôi lúc vì nhu cầu, chi cục này cũng cho toán xâm nhập Bắc Việt bằng đường thủy qua sự phối hợp và phương tiện chuyển vận của Chi Cục Pacific. Chi Cục Pacific đồn trú tại Ðà Nẵng. Chi cục này có nhiệm vụ tuyển mộ, huấn luyện và tổ chức những chuyến xâm nhập Bắc Việt bằng đường biển. Chi cục này được trang bị một số thuyền máy gọi là Nautilus. Chi Cục Pacific do Ðại úy Hà Ngọc Oánh rồi đến Trung úy Nông An Pang làm Chi Cục Trưởng. Kể từ ngày thành lập cho đến tháng 4 năm 1964, cả hai chi cục này đều được CIA tài trợ dưới danh nghĩa của cơ quan Combined Studies Division (CSD), đồn trú tại Ðà Nẵng. Ðầu năm 1964, hai chi cục này được lệnh giải tán và toàn bộ sĩ quan, hạ sĩ quan được đưa vào Ðà Nẵng (trại Mỹ Khê) để chuẩn bị thành lập đơn vị mới.

Theo sự gia tăng cường độ của chiến tranh, Hoa Kỳ dự trù đưa sang Việt Nam một số chiến đỉnh tối tân để hoạt động tại vùng biển Bắc vĩ tuyến 17. Do đó, Sở Phòng Vệ Duyên Hải/Nha Kỹ Thuật (SPVDH/NKT – Coastal Security Service) được chính thức thành lập kể từ ngày 1/4/1964. Thiếu tá Ngô Thế Linh, Phó Giám Ðốc Nha Kỹ Thuật được đề cử giữ chức vụ Chỉ Huy Trưởng đầu tiên của SPVDH/NKT. Sở Phòng Vệ Duyên Hải/NKT được chính thức thành lập như sau:

a) Bộ Chỉ Huy

• Chỉ Huy Trưởng và văn phòng CHT (Ban Văn Thư)
• Chỉ Huy Phó

Ngoài ra còn có:

• Phòng 1 (Nhân Viên)
• Phòng 2 (Tình Báo)
• Phòng 3 (Hành Quân & Huấn Luyện)
• Phòng 4 (Tiếp Liệu & Tiếp Vận)
• Phòng An Ninh (An Ninh Quân Ðội – ANQÐ)
• Phòng 5 (Chiến Tranh Chính Trị – CTCT)
• Phòng 6 (Truyền Tin)
• Phòng Tài Ngân (Tài Ngân Ngoại Lệ)

b) Đại Đội An Ninh

Ðại Ðội này chịu trách nhiệm về an ninh cho toàn thể doanh trại của SPVDH.

c) Cù Lao Chàm gồm 2 trại:

• Trại Phượng Hoàng (Phoenix) – Nơi giam giữ và khai thác tù nhân. Người tù nhân cuối cùng rời Trại Phượng Hoàng vào ngày 22/10/1968.
• Trại DoDo – Do Sở Tâm Lý Chiến/Nha Kỹ Thuật (STLC/NKT) dùng để cho cơ quan bạn (Hoa Kỳ) ra công tác và các Toán Thẩm Vấn của STLC khai thác và thu thập các tin tức có liên quan đến chính trị, xã hội và tôn giáo tại miền Bắc để cho Ðài Gươm Thiêng Ái Quốc/STLC và Ðài Tiếng Nói Tự Do/STLC sử dụng. Ðây cũng là nơi huấn luyện các mật báo viên dài hạn (Sleeping Agent) về chủ trương và đường lối hoạt động của Phong Trào Gươm Thiêng Ái Quốc.

d) Lực Lượng Biệt Hải (Sea Commandos Force)

Song song với việc thành lập Bộ Chỉ Huy SPVDH, Sở cũng xúc tiến việc tuyển mộ, huấn luyện và trang bị cho các Toán Biệt Hải để đảm trách các công tác được giao phó. Lực Lương Biệt Hải (LLBH/SPVDH) được tổ chức thành các toán và đồn trú tại các trại được xây dựng riêng rẽ từ chân núi Non Nước đến chân núi Sơn Trà như sau:

• Trại 1 – Toán Romulus gồm 50 sĩ quan & hạ sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến/QLVNCH do Thiếu úy Dương Văn Hưng và Nguyễn Văn Ngộ chỉ huy.
• Trại 2 – Toán Athena gồm 50 SQ & HSQ thuộc Lực Lượng Người Nhái/Hải Quân VNCH do Hải Quân Ðại úy Lâm Nhựt Ninh chỉ huy.
• Trại 3 – Toán Nimbus gồm 45 SQ & HSQ/QLVNCH do Thiếu úy Nguyễn Hữu Hà (Hoàng) chỉ huy.
• Trại 4 – Toán Cumulus gồm có khoảng 40 quân nhân và Biệt Kích Quân (BKQ – Dân Sự) do Thiếu úy Nguyễn Tử Nha (Trang) chỉ huy.
• Trại 5 – Toán Mercury gồm 40 BKQ Dân Sự do Thiếu úy Nguyễn Bá Lộc chỉ huy.
• Trại 6 – Toán Vega gồm 35 nhân viên hải thuyền do Hải Quân Ðại úy Trịnh Hào Hiệp thuộc Lực Lượng Người Nhái/Hải Quân VNCH chỉ huy.
• Trại 7 – Bộ Chỉ Huy Ðại Ðội An Ninh, bãi thực tập phá hoại và bãi thực tập nhảy dù của SPVDH, kho đạn, kho chất nổ và hồ tắm (huấn luyện bơi lội và lặn bình hơi).
• Trại 8 – Toán Cancer gồm 6 nhân viên người nhái do Thiếu úy Nguyễn Thanh Hoài kiêm nhiệm.
• Trại Mỹ Khê (Trung Tâm Huấn Luyện 6)
• Bộ Chỉ Huy LLBH
• Cư xá của Huấn Luyện Viên Hoa Kỳ
• SEAL và TQLC
• Cư xá Sĩ quan và Hạ sĩ quan độc thân của QLVNCH
• Thông Dịch Viên
• Câu Lạc Bộ và nhà ăn của các cán bộ Việt-Mỹ
• Kho tiếp liệu, đạn dược, vũ khí, máy đẩy tầu, kho để thuyền cao su, tầu ngầm cá nhân, v.v.
• Trại Huấn Luyện Chim Bồ Câu Truyền Tin
• Trung Ðội An Ninh & Phòng Thủ.
• Trại 9 – Khu Cấm

Cuối năm 1966 và đầu năm 1967, khi toàn thể doanh trại của LLBH được bàn giao lại cho Ðệ Tam Lực Lượng Thủy Bộ TQLC Hoa Kỳ (III MAF) thì toàn thể LLBH về đồn trú chung tại một doanh trại, được xây cất ở chân núi Sơn Trà (Black Rock).

e) Lực Lượng Hải Tuần (Naval Patrol Force)

Lúc còn Chi Cục Pacific và được sự tài trợ của cơ quan CSD, vào khoảng cuối năm 1962 và đầu năm 1963, phía Hoa Kỳ đem sang Ðà Nẵng 3 chiến đỉnh “SWIFT” để thay thế cho các thuyền máy của chi cục này. Các thuyền trưởng đều là người Na Uy (Norway) và còn được gọi là “Vikings”, nhận công tác theo hợp đồng của CSD. Thủy thủ đoàn là các thủy thủ Việt Nam của các thuyền máy Nautilus. Các chiến đỉnh này đã thực hiện và hoàn tất một số công tác được giao phó một cách tốt đẹp.

Kể từ tháng 4 năm 1964, song song với việc thành lập Bộ Chỉ Huy SPVDH, phía Hoa Kỳ cũng thành lập một cơ quan đối nhiệm của Sở này, lấy tên là Naval Advisory Detachment (CSS/NAD), do Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương (CINPAC) bổ nhiệm. Vị Chỉ Huy Trưởng đầu tiên của NAD là Hải Quân Trung tá Owens. Vị Chỉ Huy Trưởng NAD cuối cùng là Hải Quân Trung tá Olson.

Ban đầu, cả 2 cơ quan CSS và NAD tạm thời đồn trú tại Số 52 Bạch Ðằng, Ðà Nẵng (White Elephant). Sau khi đã hoàn tất việc bàn giao giữa cơ quan CSD và NAD, một phần Bộ Chỉ Huy SPVDH gồm có: CHT, Ban Văn Thư, Phòng 1, Phòng 4, Phòng Tài Chánh, Phòng 5, Phòng An Ninh đều tạm thời đồn trú tại Camp Fay (tên của vị Chỉ Huy Trưởng NAD tử nạn xe hơi năm 1967), Sơn Trà. Các phòng tương đương của NAD cũng đồn trú tại doanh trại này. Riêng văn phòng CHP, Phòng 2, Phòng 3 và Phòng Truyền Tin thì đồn trú tại Lower Base chung với các phòng tương ứng của NAD.

Cũng kể từ tháng 4 năm 1964, phía Hoa Kỳ (NAD) đem sang cho SPVDH một số chiến đỉnh có tốc độ nhanh gọi là Patrol Torpedo Fast (PTF) từ căn cứ Subic ở Phi Luật Tân. Tổng số chiến đỉnh có khi lên đến 12 chiếc. Cũng trong thời gian này, BTL Hải Quân QLVNCH tăng phái cho SPVDH một số thủy thủ đoàn gồm SQ & HSQ thuộc Hải Quân/QLVNCH để điều khiển các chiến đỉnh này. Lực Lượng Hải Tuần gồm có từ 12 đến 14 Thủy Thủ Ðoàn. Mỗi Thủy Thủ Ðoàn có từ 12 đến 16 SQ & HSQ. Lực lượng này đồn trú tại Trại Trần Hưng Ðạo (còn gọi là Upper Base). Vị Chỉ Huy Trưởng đầu tiên của LLHT là Hải Quân Thiếu tá Diệp Quang Thủy. Ngoài ra, SPVDH còn có một toán bảo trì và sửa chữa chiến đỉnh gọi là MST (Mobil Support Team) do Ðại úy Cơ Khí Nguyễn Văn Quang, Sĩ quan Cơ Khí của SPVDH làm Toán Trưởng. Toán này có nhiệm vụ bảo trì và sửa chữa cấp 1 cho các chiến đỉnh mà thôi. Các tu bổ đại kỳ thì phải gởi chiến đỉnh sang Subic Bay tại Phi Luật Tân.

Kể từ tháng 6 năm 1966, Ðại tướng Cao Văn Viên, TTMT/QLVNCH đề cử Hải Quân Trung tá Hồ Văn Kỳ Thoại làm Chỉ Huy Trưởng SPVDH, thay thế Thiếu tá Ngô Thế Linh trở về BCH/NKT đảm nhận lại chức vụ Phó Giám Ðốc NKT. Cũng kể từ đó, toàn thể BCH/SPVDH di chuyển về đóng chung tại Lower Base. Kể từ ngày thành lập (1/4/1964) cho đến ngày 1/11/1968, khi Hoa Kỳ ngưng oanh tạc Bắc Việt, SPVDH/NKT đã thực hiện các loại hành quân sau đây:

• Những Cuộc Hành Quân lấy tên là LOKI:

Những cuộc hành quân này có mục đích bắt tù binh kể cả ngư dân và cán bộ Cộng Sản đưa về trại Phoenix để khai thác tin tức và cung cấp các mục tiêu quân sự tại Bắc vĩ tuyến 17 cho Hạm Ðội 7 Hoa Kỳ oanh tạc. Theo khả năng thì các chiến đỉnh PTF của SPVDH chỉ hoạt động lên tới vĩ tuyến 20 (Thanh Hóa), nhưng có đôi lần các chiến đỉnh này đã hoạt động lên đến tận Bạch Long Vỹ.

Trong suốt thời gian hoạt động, SPVDH đã bắt hơn 500 ngư dân, công an hoặc cán bộ các Hợp Tác Xã (HTX) ngư nghiệp tại miền Bắc. Sau khi đem về trại Phoenix để khai thác tin tức, cán bộ SPVDH tuyển chọn trong số này những người thù ghét chế độ Cộng Sản để huấn luyện họ làm mật báo viên dài hạn (Sleeping Agent), chờ ngày giải phóng miền Bắc. Sau khi hoàn tất việc huấn luyện, cách thu thập tin tức, cách viết mật thư, v.v. những người này được chuyển sang trại DoDo để nơi đây huấn luyện (indoctrination) về chủ trương và đường lối của Phong Trào Gươm Thiêng Ái Quốc do các cán bộ của STLC/NKT hướng dẫn dưới danh nghĩa Mặt Trận Giải Phóng Miền Bắc. Ngoài ra, các cán bộ STLC còn khai thác thêm các tin tức liên quan đến chính trị, xã hội và tôn giáo tại miền Bắc để hoạch định các công tác Tâm Lý Chiến của Ðài Tiếng Nói Tự Do và Ðài Gươm Thiêng Ái Quốc thuộc STLC/NKT.

Sau một thời gian, tất cả những người bị bắt đều được trả về miền Bắc và mỗi người đều được tặng một gói qùa gồm radio, mùng, mền, lưới cá và cước, v.v. do STLC/NKT thực hiện. Mỗi lần thả, họ đều được PTF chở ra vùng họ ở và cho xuống một chiếc thuyền thúng tròn, đan bằng tre để họ chèo vào bờ. Hầu hết những người được thả khi về đến địa phương đều bị Cộng Sản Bắc Việt tịch thu hết các qùa tặng, gây nhiều căm phẫn cho nhân dân và gia đình. Ðặc biệt, có người sau một thời gian lại cố ý ra biển để được bị bắt lại, bởi lẽ đời sống của người dân miền Bắc, đặc biệt là ngư dân, rất cực khổ và đói kém. Khi vào trại của Phong Trào Gươm Thiêng Ái Quốc (PTGTAQ) được ăn uống no đủ, áo quần mới và được đối xử tử tế, nên mặc dù trong thâm tâm vẫn nghĩ PTQGAQ là của miền Nam Việt Nam, nhưng họ rất có cảm tình, và đã cung cấp nhiều tin tức quân sự có giá trị cao.

• Những Cuộc Hành Quân lấy tên là CADO:

Do các toán Biệt Hải đổ bộ vào bờ để đột kích hoặc bắn phá các đồn Công An Biên Phòng tại các cửa biển hoặc các cơ sở trên đất liền. Cũng vào năm 1964, toán Biệt Hải Cumulus đã đổ bộ và bắn phá nhà máy nước tại Bầu Tró (Ðồng Hới), gây nhiều thiệt hại đáng kể cho nhà máy này. Nhiều lần khác, các toán Biệt Hải đã đổ bộ và bắt cóc cán bộ Bắc Việt trong các làng ven biển tại Ðồng Hới và Quảng Bình.

• Những Cuộc Hành Quân lấy tên là MINT:

Trong suốt thời gian Hoa Kỳ phong tỏa hải phận Bắc Việt và thả mìn ở cửa biển Hải Phòng, SPVDH liên tục hành quân từ vùng vĩ tuyến 17 đến Thanh Hóa. Trong thời gian này, SPVDH đã chận đánh các đoàn ghe máy Bắc Việt tiếp tế cho các hải đảo ngoài khơi duyên hải. Ðặc biệt là các chiến đỉnh của SPVDH đã đánh tan một đoàn tiếp tế của Bắc Việt cho đảo Hòn Cọp, tich thu rất nhiều vũ khí và quân dụng, trong đó có một khẩu 82ly không giật của Nga Sô, loại vũ khí được tịch thu lần đầu tiên tại chiến trường Việt Nam lúc bấy giờ.

• Các Cuộc Hành Quân Tâm Lý Chiến:

Sở Tâm Lý Chiến/NKT thực hiện các loại truyền đơn dưới danh nghĩa của PTGTAQ và các gói qùa tặng. Truyền đơn do STLC thực hiện gồm có 2 loại. Một loại thả theo các gói qùa. Loại kia do súng cối 81ly đặt trên các PTF bắn vào bờ. Số truyền đơn và qùa tặng được chuyển từ STLC ra cho SPVDH. Sở này dùng các chiến đỉnh PTF để thả các gói qùa trên biển về phía Bắc vĩ tuyến 17, hoặc dùng súng cối 81ly bắn vào bờ.

• Cuộc Hành Quân Ðặc Biệt tên là LURE:

Truyền đơn thả theo các gói qùa trên biển của Phong Trào Gươm Thiêng Ái Quốc kêu gọi các tầu của Bắc Việt trốn vào miền Nam Việt Nam. SPVDH dùng một ghe máy có tên là Nautilus (NI) thả neo túc trực tại phía Nam vĩ tuyến 17. Trường hợp tầu của Hải Quân Bắc Việt vượt tuyến vào Nam đầu thú sẽ được cán bộ và thủy thủ đoàn của chiếc NI đón tiếp. Ngoài phần thưởng đặc biệt dành cho thuyền trưởng và thuyền phó, mỗi thủy thủ đều được Chính Phủ VNCH lo cho chỗ ăn, chỗ ở và mỗi người đều được thưởng 100 (một trăm) lượng vàng để sinh sống. Cuộc hành quân này kéo dài gần 3 tháng mới chấm dứt.

Sau ngày Hoa Kỳ ngưng oanh tạc Bắc Việt vào năm 1968, SPVDH được tăng phái hành quân cho Quân Ðoàn II và Quân Ðoàn IV – Quân Khu IV, hoặc tham dự những công tác cứu phi công Hoa Kỳ bị bắn rơi trong và ngoài lãnh thổ VNCH. Kể từ tháng 4 năm 1972, sau khi có lệnh thượng cấp Hải Quân hóa toàn bộ SPVDH thì các SQ và HSQ Lục Quân được thuyên chuyển về BCH/NKT và các Sở/Ðoàn trực thuộc. Riêng các BKQ Dân Sự thì một số tình nguyện cải tuyển qua QLVNCH và vẫn phục vụ tại các Sở/Ðoàn nói trên. Một số khác không tình nguyện cải tuyển thì được trả về đời sống dân sự.

Qua những thành tích hoạt động và chiến tích của SPVDH, Sở này đã được 2 lần tuyên dương công trạng trước Quân Ðội, được ân thưởng 2 Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu và đơn vị được mang dây Biểu Chương mầu Anh Dũng Bội Tinh. Ngoài ra, năm 1967, SPVDH cũng được BTL Hải Quân Hoa Kỳ ân thưởng 1 huy chương “MERITERIOUS SERVICE”. Khi HQ Trung tá Hồ Văn Kỳ Thoại được vinh thăng Ðại tá và được bổ nhiệm chức vụ Tư Lệnh Vùng I Duyên Hải thì HQ Ðại tá Nguyễn Viết Tân thay thế cho đến ngày 30/4/1975.

Cũng xin nói thêm ở đây là sau khi chính phủ Hoa Kỳ ngưng oanh tạc Bắc Việt vào ngày 1/11/1968 thì mọi hoạt động của SPVDH tại Bắc vĩ tuyến 17 đều chấm dứt. Từ đó, Sở này được tăng cường phối hợp hành quân với các đơn vị bạn tại QÐ I và QÐ IV cho đến ngày 30/4/1975. Các chiến đỉnh SWIFT và PTF cũng được phía Hoa Kỳ chuyển về Subic Bay ở Phi Luật Tân trước ngày 30/4/1975.

Nói chung, kể từ ngày thành lập cho đến ngày Bắc Việt cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam, SPVDH đã cùng các đơn vị khác của Nha Kỹ Thuật đóng góp nhiều chiến tích oai hùng và cũng là một nét son trong quân sử QLVNCH.

C) Sở Tâm Lý Chiến (Psychological Warfare Service)

Ðể đáp ứng nhu cầu đòi hỏi, Sở Tâm Lý Chiến/NKT đã sử dụng 3 hình thái chiến tranh sau đây trong cuộc chiến tranh ngoại lệ, hay chiến tranh bất qui ước (unconventional warfare) tại Việt Nam:

1. Chiến Tranh Tình Báo (Sở Liên Lạc, Sở Phòng Vệ Duyên Hải, Sở Công Tác)
2. Chiến Tranh Phá Hoại (Sở Liên Lạc, Sở Phòng Vệ Duyên Hải, Sở Công Tác)
3. Chiến Tranh Khuynh Ðảo.



Sở Không Yễm Nha Kỹ Thuật


 Một trong những sĩ quan của BTL Không Quân/QLVNCH làm sĩ quan liên lạc cạnh Sở Bắc là Ðại úy Dư Quốc Lương. Sở Không Yểm/NKT được chính thức thành lập kể từ ngày 1/1/1971 cùng với sự cải tổ của Nha Kỹ Thuật và do Ðại tá Dư Quốc Lương làm Chỉ Huy Trưởng. Theo sơ đồ tổ chức, Sở Không Yểm/NKT gồm có:

• Bộ Chỉ Huy
• 1 Phi Ðoàn Vận Tải C-123
• 1 Phi Ðoàn Vận Tải C-130
• 1 Phi Ðoàn Quan Sát (O-1 hay V-17)
• 1 Phi Ðoàn Trực Thăng (Phi Ðoàn 219)

Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng dự trù trang bị cho Phi Ðoàn 219 một số trực thăng võ trang loại Cobra, nhưng vì Chính Phủ Hoa Kỳ thay đổi chính sách đối với VNCH và chuẩn bị rút quân khỏi miền Nam Việt Nam nên việc chuyển giao các loại phi cơ nói trên cho Sở Không Yểm/NKT đã không được thực hiện.

Cũng xin nói thêm rằng: Kể từ đầu năm 1964, khi Sở Liên Lạc/NKT được thành lập và bắt đầu các cuộc hành quân ngoại biên, ngoại trừ PÐ-219 và PÐ-110 cung cấp một số phi cơ, phía Hoa Kỳ đảm nhận mọi vấn đề không vận cho các Chiến Ðoàn Xung Kích Việt-Mỹ, như máy bay quan sát O-2 để bay không thám (visual recon) và để tìm bãi đáp cùng hướng dẫn các trực thăng (Slick) thả và vớt toán, trực thăng võ trang (gunships), máy bay quan sát O-1 để tiếp vận truyền tin (radio relays), v.v. Phi cơ O-2 thường đồn trú tại sân bay Pleiku, phi cơ trực thăng thì đồn trú tại Nha Trang và phi cơ quan sát O-1 đồn trú tại Ban Mê Thuột, v.v. Khi cần, các phi cơ OV-10 ở Thái Lan (Nakhon Phanom và Udon) cũng như các phi cơ oanh kích của Hạm Ðội 7 Hoa Kỳ sẽ can thiệp ngay sau khi có sự yêu cầu. Ðó là về phía Hoa Kỳ.

Về phía VNCH thì Phi Ðoàn 219 (trực thăng) được tăng phái thường xuyên cho NKT và đồn trú tại Ðà Nẵng để cùng với phía Hoa Kỳ phụ trách các công tác xâm nhập (thả – insert) và triệt xuất (vớt – extract) các toán Biệt Kích. Ngoài ra, Phi Ðoàn Quan Sát 110 (đồn trú tại Ðà Nẵng) cũng biệt phái mỗi ngày một máy bay U-17 (Cessna) cho mỗi Chiến Ðoàn Xung Kích để bay không thám (visual recon – VR) và liên lạc với các toán đang hoạt động dưới đất. Thêm vào đó, BTL Không Quân VNCH cũng biệt phái cho NKT 4 máy bay khu trục loại A1-E, từ Biên Hòa lên túc trực tại sân bay Holloway (Pleiku) để can thiệp khi cần.

Những năm sau này, khi MACSOG giải tán và Hoa Kỳ rút quân không còn yểm trợ nữa thì các cuộc hành quân ngoại biên của NKT cũng chấm dứt. Riêng các cuộc hành quân nội địa thì ngoại trừ Phi Ðoàn 219, Không Quân VNCH còn tăng phái thêm các trực thăng của Phi Ðoàn 233 và 235 cùng các phi cơ quan sát của Phi Ðoàn 118 và 120, v.v. tùy theo vùng hành quân của Sở Liên Lạc/NKT và Sở Công Tác/NKT, hoạt động tại nội địa mà thôi.

Tuesday, March 7, 2023

Huy hiệu Trung Tâm Huấn Luyện Yên Thế (Quyết Thắng) Long Thành Biên Hòa Việt Nam


 Trung Tâm Huấn Luyện Yên Thế (Camp Long Thanh Training Center) trước đó TTHL Quyết Thắng.

Vì lý do an ninh, đầu năm 1961, Bộ chỉ huy Sở Khai Thác Ðịa hình/ Phủ Tổng Thống (Tiền thân của BTL/LLÐB sau này) quyết định dời Trại Huấn Luyện Biệt Kích Nhảy Dù Thủ Ðức - Ðồn trú cạnh sân bắn 25 của Liên Trường Võ Khoa Thủ Ðức - và cạnh xa lộ Thủ Ðức - Biên Hòa - lên đồn trú tại Long Thành. Trung Tâm được xây dựng cạnh đồn điền cao su Long Thành. Ở đó, có một sân bay do đồn điền cao su không sử dụng từ lâu. Sân bay này khiển dụng cho các loại máy bay C-119, C-47, C-123,và C-130, rất thuận tiện cho hoạt động của Sở. Trung Tâm được xây dựng trong một khu vực rộng lớn, có tường bao bọc chung quanh, và có thêm một hệ thống gồm 9 pháo đài phòng thủ, dọc theo các bức tường là các vị trí chiến đấu cá nhân. Trung Tâm có đầy đủ tiện nghi làm nơi ăn ở cho các HLV Việt-Mỹ, phòng học và nơi ở cho khóa sinh, nhà ăn, câu lạc bộ sĩ quan, hạ sĩ quan, nhà kho và nhà xếp dù, v.v. Trung Tâm có 2 Ðại Ðội Dân Sự Chiến Ðấu (DSCĐ) Nùng bảo đảm việc an ninh, phòng thủ và canh gác ngày đêm.

Toàn thể cán bộ Việt-Mỹ, các HLV, các toán hành quân của LÐ 77 (Lôi Vũ), các Trung Ðội Beo gấm, các đại đội Biệt Kích 1, 2, 3, 4 và gia đình đều đồn trú tại Trung Tâm này (có trại gia binh riêng). Trung Tâm được đặt tên là “Trung Tâm Huấn Luyện YÊN THẾ” để vinh danh Cụ Hoàng Hoa Thám, người được mệnh danh là “Con Hùm Xám YÊN THẾ”. Cụ Hoàng Hoa Thám xây dựng mật khu YÊN THẾ trong cuộc kháng chiến chống Pháp vào cuối thế kỷ thứ 19. Riêng phía Hoa Kỳ, họ vẫn giữ tên là: “CAMP LONG THÀNH TRAINING CENTER” cho đến khi triệt thoái vào tháng 4/1972. Trung Tâm được chỉ huy bởi Ðại úy Lê Ngọc Linh, Trưởng Trại Huấn Luyện Biệt Kích Nhảy Dù Thủ Ðức.

Trung Tâm Huấn Luyện cũng dành riêng một khu vực riêng biệt, có tường bao bọc chung quanh cho Sở Bắc. Khu vực này do Trung úy Nguyễn Văn Vinh (bí danh Dũng) đảm trách. Ðây cũng là nơi đồn trú cho các toán dài hạn của Sở Bắc để thay thế các nhà an toàn (Safe House) ở Sài gòn, Ðà Nẵng, Huế v.v., vừa tốn kém tiền thuê mướn, vừa bất tiện về vấn đề an ninh. Khu vực này là nơi đồn trú của Ðoàn Công Tác 68 sau này. Ngoài những môn học về tình báo do các cán bộ điều khiển (Case Officer) phụ trách, các môn học về Truyền Tin, Mật Mã (do Phòng Truyền Tin Sở Bắc đảm trách), các môn học khác như phá hoại, vũ khí cá nhân, cộng đồng của hai khối Tự Do & Cộng Sản, nhảy dù, v.v. đều do các HLV Việt-Mỹ của Trung Tâm đảm trách. Những Sĩ quan Huấn Luyện Viên về môn Phá Hoại sau đây là những người đầu tiên phục vụ tại Trung Tâm này:

1. Nguyễn Phan Tựu
2. Nguyễn Ngọc Trâm
3. Nguyễn Văn Lai
4. Nguyễn Phi
5. Nguyễn Ngọc Hòa (sau đổi qua binh chủng Biệt Ðộng Quân và đã anh dũng đền nợ nước).

Khi Sở Khai Thác Ðịa Hình/PTT chuyển hướng hoạt động về phía biên giới Lào-Việt, Tchepone, Khe Sanh, Lao Bảo và đường số 9 (Nam Lào), thì toàn bộ Trung Tâm này di chuyển ra Ðà Nẵng và đồn trú tại Trung Tâm Huấn Luyện Hòa Cầm. Toàn thể Trung Tâm Huấn Luyện Yên Thế bàn giao lại cho Sở Bắc và Nha Kỹ Thuật sau này. Ðại úy Nguyễn Văn Hy, thuộc Sở Bắc được đề cử giữ chức vụ CHT Trung Tâm. Trung Tâm Huấn Luyện Yên Thế được đổi tên là Trung Tâm Huấn Luyện Quyết Thắng cho đến cuối tháng 4/75. Vị CHT cuối cùng của Trung Tâm Huấn Luyện Quyết Thắng là Ðại tá Ngô Thế Linh. Năm 1969, người viết có tham dự một khóa hội luận (Seminar), tổ chức tại Trung Tâm để thảo luận về đề tài Ðiều Không Tiền Tuyến, hay Ðiều Khiển Oanh Kích (FAG – Forward Air Guide). Các sĩ quan tham dự gồm:

• Ðại úy Nguyễn Tử Nha (BCH/NKT)
• Ðại úy Nguyễn Phan Tựu (Ðoàn 68)
• Đại úy Trần Kim Khánh (Ðoàn 11)
• Và một số SQ/HLV của Trung Tâm (không nhớ tên).

Cuộc hội luận này nhằm đặt nền tảng cho bài học “Ðiều Khiển Oanh Kích” của Chương Trình Huấn Luyện căn bản thám sát (RT) sau này. Khi BTL Lực Lượng Ðặc Biệt di chuyển ra đồn trú tại Nha Trang thì Trung Tâm Huấn Luyện Hòa Cầm bàn giao lại cho BTL/QÐI/QK1 và về đồn trú tại Ðộng Ba Thìn, gần thị xã Cam Ranh cho đến ngày giải tán (31/12/1970).
Trích tài liệu Tóm lược hình thành Nha Kỹ Thuật của NT Trần Kim Khánh và HD Bùi Thượng Khuê.


Sunday, March 5, 2023

Sở Liên Lạc (Lôi Hổ) Nha Kỹ Thuật

 Xuất xứ danh từ 'LÔI HỐ' cho các toán Hành Quân Sở Liên lạc là do tôi đề nghị trong thời gian tôi phụ trách Tình Báo  Huấn Luyện tại Trung Tâm Huấn L vào cuối 1964-65 trước khi tôi được SOG đề nghị đi học HK vào cuối 1965. CHT là Thiếu tá Sáng, tên thật là Lê văn Ký. Thiếu tá Ký lúc này là Chủ Sự Phòng  Hành Quân Huấn Luyện xin Đại tá Giám Đốc Trần văn Hổ cho tôi xuống Trung Tâm để giúp Ông ta phụ trách huấn luyện. Trong giai đoạn này Trung Tâm Huấn Luyện phụ trách huấn luyện khóa Trưỡng toán đầu tiên cũa SLL, ngoài nhiệm vụ chính là huấn luyện các toán đi Bắc (trong số này có T/táMinh/SLL). Tôi đề nghị danh từ này là dưới thời kỳ Sở KhaiThác Địa Hình / Phủ Tồng Thống, đã có tố chức các toán "LÔI VŨ" hoạt đông tại biên giới LÀO. Lôi Hổ có thể dich ra tiếng Anh là Thunder Tiger hay Thundering Tiger ( Hổ gầm gừ như bảo tố trong rừng sâu ). Tôi nhớ đã nhiều lần nói về danh từ này vì có mội số anh em thắc mắc. (Hòa xem lại các emails cũ của tôi thì rõ) Vì vậy nên huy hiệu Sở Liên Lạc mới có hình con Cọp, nhưng tôi không biết ai đã vẽ ra huy hiệu này. Thiếu /tá Tựu lúc này làm phụ tá cho tôi nên còn nhớ v/v này. Khi nào tôi có thời gian sẽ tóm tắt về nguồn gốc cùa SLL vì nay tôi chỉ đánh computer băng một ngón tay mà thôi và trật lên trật xuống. Riêng về tổ chức của Sở Liên Lạc trước đây đã có vị nào viết rồi và rất rõ ràng, chắc Hòa còn giử tài liệu này.
****************************************************
The origin of the word 'Lôi Hổ' for Recon Teams  was suggested by me during my time in charge of Intelligence Training at Training Center Long Thanh  at the end of 1964-65 before I was recommended by SOG to attend Long Thanh training school. at the end of 1965. The Commander is Major Sang, real name is Le Van Ky. Major Ky at this time is the Chief of Operations and Training Department, and asked Colonel Director Tran Van Ho to let me go down to the Center to help him in charge of the training. During this period, the Training Center was in charge of training the first recon team leaders, in addition to the main task of training the teams to go North (among them Major Lê Minh Lôi Hổ). I suggest this term because under the Department of  Presidential Palace, there were groups of "Lôi Vũ" teams operating at the border of Laos and North Vietnam. Thunder Tiger can be translated into English as Thunder Tiger or Thundering Tiger (Tiger growls like a storm in the deep forest). I remember talking about this noun many times because some of you wondered. (It's clear if you look at my old emails) That's why the new Liaison (Lôi Hổ)  badge has a Tiger image, but I don't know who drew this badge. Major Tuu Phan was my assistant at that time, so I still remember this. When I have time, I will summarize the origin of SLL . As for the organization of the Liaison Office, someone has written it before and is very clear, Hoa probably still keeps this document.

Huy Hiệu Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa

 

Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa là cơ quan tham mưu quân sự đầu não về lãnh vực chỉ huy và tham mưu của Quân lực Việt Nam Cộng hòa trong suốt thời gian tồn tại (1955–1975). Bộ Tổng tham mưu đặt trực tiếp dưới quyền chỉ huy của Nguyên thủ quốc gia Việt Nam Cộng hòa, chịu trách nhiệm xây dựng những kế hoạch về chiến lược và chiến thuật, nhận định tình hình chiến sự, tổ chức và phối trí những cuộc hành quân đủ mọi tầm mức để đối phó và tiêu diệt đối phương, đồng thời điều hành tất cả mọi việc liên quan đến quân đội với mục đích giữ gìn an ninh và bảo vệ lãnh thổ.

Lịch sử hình thành

Cơ quan tiền thân là Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Quốc gia Việt Nam, được thành lập ngày 1 tháng 5 năm 1952, đặt trụ sở tại đường Galliéni (sau là đường Trần Hưng Đạo), Quận 5Sài Gòn. Tổ chức bộ máy ban đầu phỏng theo cơ cấu tham mưu của Quân đội Pháp, với hầu hết các sĩ quan cao cấp vẫn là sĩ quan Pháp.

Sau khi chánh thể Việt Nam Cộng hòa được thành lập, bộ máy của Bộ Tổng tham mưu Quân đội Quốc gia Việt Nam chuyển thành Tổng Tham mưu Quân đội Việt Nam Cộng hòa với hầu hết nhơn sự cũ trước đây. Tổng hành dinh của Bộ Tổng tham mưu cũng chuyển về trụ sở mới ở trại Trần Hưng Đạo (trước là Camp Chanson) nằm trên đường Võ Tánh, gần phi trường Tân Sơn Nhứt, và cố định ở vị trí này cho đến ngày 30.4.1975.

Tháng 4 năm 1964, sau khi thực hiện cuộc chỉnh lý thành công và lên nắm quyền, Trung tướng Nguyễn Khánh trên vai trò Chủ tịch Hội đồng Quân nhân Cách mạng ký sắc lịnh đổi danh xưng Bộ Tổng Tham mưu thành Bộ Tổng Tư lệnh Quân lực Việt Nam Cộng hòa bao gồm Lục quân, Không quân, Hải quân và Địa phương quân & Nghĩa quân. Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 1 năm sau, sau khi tướng Khánh bị gạt khỏi chánh quyền, danh xưng Bộ Tổng Tư lịnh lại được đổi thành Bộ Tổng Tham mưu vào tháng 2 năm 1965.

Với cuộc cải tổ Quân lực năm 1965, bộ máy của Bộ Tổng tham mưu đã hoàn thiện để thực sự là cơ quan đầu não chủ đạo đưa ra những kế hoạch để hình thành các tổ chức thuộc các quân binh chủng, nha sở, các Quân đoàn, Sư đoàn, Lực lượng Địa phương quân và nghĩa quân.